Có rất nhiều tình huống nguy hiểm có thể xảy ra khi bạn lái xe và dễ dàng bị hoảng loạn là điều khó tránh khỏi.
1. Nổ lốp
Nổ lốp là một trong những trường hợp thường gặp, sự cố này làm cho xe mất cân bằng kéo theo những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Việc nổ lốp sẽ tạo ra một tiếng nổ lớn, khiến cho người lái mất bình tĩnh, rất dễ gây ra tai nạn.
Để tránh những rủi ro các tài xế nên tuân thủ các bước: Xử lý để cho xe khỏi chuyển hướng, bằng cách đạp lút chân ga trong khoảng vài giây. Sau đó từ từ nhả chân ga để duy trì tốc độ xe, quan trọng nhất là phải giữ cho xe đi đúng làn đường, cố gắng tránh xa chân phanh, đánh lái vào lề đường để chờ xe cứu hộ.
2. Vỡ hoa lốp
Đây là lỗi kỹ thuật rất nghiêm trọng, có thể gây ra những thiệt hại khôn lường khi bạn đang lái xe ở tốc độ cao.
Vỡ hoa lốp là sự cố mà hoa lớp và dây thép phía trong rời ra một phần hoặc bung ra, gây ra những rung lắc mạnh khiến xe mất thăng bằng. Trong trường hợp này, bạn hãy nhấn ga từ từ và lái thẳng về nơi an toàn để kiểm tra, sửa chữa.
3. Vô lăng điều khiển khó khăn
Khi đang chạy xe, nếu thấy vô lăng khó điều khiển hãy nhanh chóng xi nhan, đỗ xe vào lề đường để kiểm tra dây đai của bơm dầu trợ lực tay lái có bị hỏng, đứt hay không?
Nếu như vô lăng không thể điều khiển, hãy giữ bình tĩnh, bật cảnh báo nguy hiểm, giảm số, giảm ga bấm còi, ra hiệu bằng tay… và phanh lại.
4. Tăng tốc đột ngột
Sự cố này có biểu hiện giống như kẹt ga, nhưng ở đây nguyên nhân không phải do lỗi kỹ thuật từ động cơ mà do chủ quan từ người lái khi sử dụng chân ga. Nhiều người thường hoảng loạn khi gặp bất ngờ trên đường và đạp chân ga nhưng vẫn nghĩ đó là chân phanh, nhất là với những người sử dụng số tự động.
Để khắc phục hiện tượng này cần cố gắng làm quen xe, không đi nhanh với xe lạ và các bước cũng như với kẹt ga nếu vẫn nhầm lẫn.
5. Dừng xe bất ngờ, không có ABS
Để dừng xe bất ngờ khi đang ở tốc độ cao mà không được trang bị hệ thống chống bó cứng phanh ABS, tài xế cần có kỹ năng lái xe thật thành thạo. Duy trì đạp mạnh chân phanh nhưng không đạp chết, sẽ gây hiện tượng khóa bánh. Lúc này tài xế phải trở thành một hệ thống ABS, sao cho bánh xe dừng mà không bị trượt.
Trong trường hợp này nhiều tài xế thường phanh và kết hợp với đánh lái sang một bên. Phanh nhả liên tiếp là cách tốt nhất để làm xe dừng mà không bị văng đuôi, đây cũng là cơ chế của hệ thống ABS.
6. Chạy lệch khỏi đường
Trường hợp hay gặp khi vào cua hoặc tránh xe đối diện ở đường nhỏ có thể khiến tài xế đánh lái hai bánh xe ra khỏi mặt đường. Sẽ gặp nguy hiểm nếu bên ngoài lề đường không phải là một mặt phẳng hợp lý.
Để xử lý trường hợp này, nên từ từ giảm ga, không sử dụng phanh, đánh lái một góc rất nhỏ để từ từ đưa xe trở lại làn đường, không đánh lái góc rộng bởi bề mặt bên ngoài có thể không đáp ứng được độ xoay của bánh xe, dẫn tới tai nạn.
7. Trượt nước
Trên những con đường bị ướt, đặc biệt là khi lốp xe bị mòn, ở giữa bánh xe và bề mặt đường sẽ xuất hiện một lớp nước mỏng. Trên thực tế, lốp xe đang ở phía trên mặt nước thay vì đẩy nước sang hai bên. Bạn sẽ cảm thấy đầu xe trở nên nhẹ hơn và xe bắt đầu chệch ra khỏi làn đường.
Khi gặp sự cố này không được nhấn phanh hay đánh lái, bởi vì làm như vậy sẽ khiến xe bị trượt dài, thay vào đó hãy thả chân ga ra và cố gắng giữ cho xe chạy thẳng cho đến khi bạn lấy lại được kiểm soát.
8. Kẹt ga
Khi gặp sự cố kẹt ga phải dừng xe nhưng trước đó phải cẩn thận để không bị xe ở phía sau đâm vào mình.
Với những người mới lái, chưa có nhiều kinh nghiệm thường nhầm lẫn chân phanh với chân ga, nếu luống cuống có thể đạp nhầm, lúc này phải lập tức đưa chân ra khỏi pedal để nhận định tình hình
Phải chuyển cần số về mo ngay lập tức hoặc có thể đạp chân côn để tách liên kết. Nếu không thể đưa về cần số N thì phải tắt động cơ. Với những xe khởi động bằng nút bấm, không cần chìa khóa thì cách duy nhất là trả về số mo.
9. Mất phanh
Mất phanh là sự cố nguy hiểm vào loại hàng đầu, dễ tạo sự hoảng loạn cho người lái. Để xử lý, bình tĩnh là yếu tố quan trọng nhất, hãy cứ nhấp đạp phanh liên tục để tìm cơ may hệ thống được phục hồi, sử dụng phanh tay nhịp nhàng và vận hành kỹ thuật giảm tốc độ bằng cách dồn số để ghì xe lại. Tuyệt đối không được tắt động cơ xe, điều này sẽ khiến hệ thống trợ lực không hoạt động, làm việc điều khiển xe thêm khó khăn.
Tình huống xấu nhất phải chọn là cho xe va chạm với một vật cản, hãy giữ đủ bình tĩnh để lựa chọn vật cản mềm như bụi cây, vũng bùn; nếu có va chạm với vật cứng như “con lươn”, vách đá, phải cố gắng để xe có góc tiếp xúc nhỏ, tránh va trực diện.
10. Nhiệt độ xe quá cao
Nếu đang lái xe thấy nhiệt độ xe quá cao, vượt trên mức bình thường, có đèn báo lỗi nhiệt độ phát sáng, hãy dừng xe lại để kiểm tra hệ thống đường ống làm mát. Bởi khi nhiệt độ cao, nguyên nhân chính là do hệ thống làm mát động cơ ôtô.
Nếu kiểm tra mà thấy dây đai dẫn động kết nối với máy bơm bị hỏng thì không nên lái xe. Còn không thì hãy chờ 30 phút để động cơ trở lại bình thường, sau đó hãy tiếp tục lái xe và cần đem xe đi kiểm tra ngay lỗi này.